BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC
Ngày 11/8/2023, Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học – Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiệm thu Đề tài KH&CN cấp cơ sở “Nghiên cứu mô hình STEM/STEAM Lab định hướng công nghệ số, đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Hội đồng nghiệm thu Đề tài gồm các thành viên đang công tác và giảng dạy tại ĐHQG Hà Nội, Viện KHGDVN, Viện NCTKTH làm việc dưới sự chủ trì của TS. Vũ Thanh Bình Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ GD&ĐT – Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Hình ảnh phiên họp nghiệm thu
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Phạm Minh Triển, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày các nội dung nghiên cứu, kết quả đạt được của Đề tài. Theo đó, trong thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về triển khai mô hình STEM/STEAM kết hợp với khảo sát nhu cầu thực tiễn của các cơ sở giáo dục đồng thời tìm hiểu chuyên sâu và bám sát nội dung chương trình GDPT 2018 từ đó có những đề xuất phù hợp với giáo dục trong nước.
Với nhiệm vụ xây dựng Khung chương trình STEM/STEAM Lab định hướng công nghệ số đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, về căn cứ pháp lý nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Về căn cứ khoa học và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu các khung chương trình STEM/STEAM trên thế giới đồng thời thu thập nhu cầu thực tiễn của các cơ sở đào tạo tại Việt Nam, chuẩn đầu ra của các nội dung giảng dạy trong Chương trình giáo dục 2018, hướng dẫn triển khai giáo dục liên môn, STEM/STEAM của Bộ GD&ĐT để xây dựng các nội dung giảng dạy.
Để có thể triển khai được Khung chương trình đào tạo trong thực tế, nhóm nghiên cứu đồng thời nghiên cứu các quy chuẩn thiết kế, bố trí phòng học của các Bộ ban ngành liên quan, từ đó, đề xuất được mô hình phòng STEM/STEAM mẫu giúp đảm bảo triển khai được nội dung Khung chương trình STEM/STEAM đã đề xuất đồng thời đảm bảo các quy định về thiết kế, bố trí… theo quy định.
Nhằm đánh giá mô hình đề xuất, nhóm nghiên cứu đã triển khai thử nghiệm các mô hình thí điểm tại các cơ sở giáo dục ở Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Đồng Tháp, Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học đã tiến hành xây dựng 1 phòng STEM/STEAM Lab mẫu, đào tạo giáo viên sử dụng thiết bị và chương trình cũng như tổ chức lấy ý kiến phụ huynh, dạy thí điểm trong suốt 1 học kì. Thông qua các hoạt động trên đã đem lại một số tín hiệu rất tích cực như: học sinh tham gia học đạt được nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học, các cuộc thi sáng tạo, cuộc thi robotics... Phụ huynh học sinh, lãnh đạo địa phương, báo chí truyền thông tích cực ủng hộ và quan tâm.