BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC
Đổi mới hoạt động khoa học công nghệ tại Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Renovating the science and technology activities at the Institute for Research and Design of School to meet the requirements of education reform.
(Tác giả: ThS. KTS Nguyễn Đức Trung - Bài đăng Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số đặc biệt tháng 11/2018)
Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục, góp nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay khả năng áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) vào thực tiễn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đổi mới hoạt động KHCN được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong các chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, chiến lược phát triển giáo dục. Đổi mới giáo dục tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho các viện nghiên cứu, trong đó có Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả NCKH, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bài viết tập trung phân tích thực trạng hoạt động KHCN tại Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học và các giải pháp đổi mới hoạt động KHCN của Viện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
1. Mở đầu
Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục có ý nghĩa quan trọng đến sự nghiệp phát triển giáo dục, góp nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay kết quả và chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) - khả năng áp dụng vào thực tiễn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Giáo dục cũng như yêu cầu xã hội. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên là do sự bất cập trong công tác quản lý, rõ nét nhất là sự công khai, minh bạch trong quản lý hoạt động KHCN, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện chức năng quản lý. Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như: cơ cấu tổ chức nhân sự trong hoạt động KHCN, kinh phí, cơ sở vật chất (CSVC) và trang thiết bị cho hoạt động KHCN,... Vì vậy, đổi mới hoạt động KHCN luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020” [3] và “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020”: “... Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN...” [4].
Đổi mới giáo dục là chủ trương lớn của Đảng được khẳng định trong Nghị quyết 29-NQ/TW với mục tiêu: “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo”; “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt”; “Bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo” [2]. Đổi mới hoạt động KHCN tiếp tục được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục: “Tập trung đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan NCKH giáo dục quốc gia. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia giáo dục. Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả NCKH. Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh” [2].
Bối cảnh đổi mới giáo dục đã tạo ra nhiều cơ hội, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho các viện nghiên cứu, trong đó có Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học (NCTKTH). Với mục tiêu nâng cao hiệu quả NCKH, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, bài viết tập trung phân tích thực trạng hoạt động KHCN tại Viện NCTKTH và các giải pháp đổi mới hoạt động KHCN của Viện, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
2. Khái niệm hoạt động khoa học công nghệ
Theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm các hoạt động: NCKH, nghiên cứu và phát triển công nghệ, dịch vụ khoa học và công nghệ, hoạt động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và các hoạt động khác nhằm phát triển khoa học và công nghệ [1]. Trong đó: - NCKH là loại hoạt động phát hiện, tìm hiểu các hiện tượng, sự vật, quy luật của tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo các giải phát nhằm ứng dụng vào thực tiễn. NCKH gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng; - Phát triển công nghệ là hoạt động giúp tạo ra và hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới. Phát triển công nghệ bao gồm triển khai thực nghiệm và sản xuất thử nghiệm; - Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ NCKH và phát triển công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng trí thức khoa học và công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn.
3. Sơ lược về Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học
3.1. Quá trình phát triển của Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học
Viện NCTKTH là cơ quan nghiên cứu trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, tiền thân là Phòng Nghiên cứu Thiết kế trường đại học (1978), sau đó đổi tên là Trung tâm Nghiên cứu Thiết kế trường Đại học (1982) và Viện NCTKTH (1986). Theo Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 27/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Viện NCTKTH là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Năm 2011, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt Đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt động của Viện thành tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Từ 2012, Viện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP [5].
3.2. Chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học
Theo Quyết định số 2281/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Viện NCTKTH có chức năng nghiên cứu và phát triển KHCN về quy hoạch, thiết kế kiến trúc các loại công trình trường học; cung cấp các dịch vụ tư vấn và dịch vụ KHCN đối với các loại công trình xây dựng; sản xuất, kinh doanh trong hoạt động xây dựng; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực xây dựng cơ bản và tư vấn về đầu tư xây dựng CSVC cho giáo dục [6].
Viện NCTKTH có nhiệm vụ nghiên cứu về quy hoạch xây dựng mạng lưới trường và cụm trường, xây dựng các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và hệ thống các tiêu chí về CSVC kỹ thuật, các loại công trình trường học gồm: tiêu chuẩn đất đai; tiêu chuẩn thiết kế; tiêu chuẩn kỹ thuật; tổ chức không gian; bản sắc kiến trúc vùng, miền, nội thất; trang thiết bị dạy và học; suất đầu tư xây dựng; xây dựng và khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu về CSVC trường học. Thực hiện dịch vụ tư vấn lập đề án thành lập các cơ sở giáo dục; tư vấn xây dựng các loại công trình trường học, cụm trường và các công trình dân dụng khác; Cung cấp dịch vụ đánh giá tác động môi trường, ứng dụng công nghệ thông minh, vật liệu mới và tiết kiệm năng lượng trong các dự án của ngành Giáo dục; Thi công xây dựng; sản xuất, cung ứng, kinh doanh xuất nhập khẩu trang thiết bị phục vụ cho ngành Giáo dục; Đầu tư và kinh doanh về hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở giáo dục; Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật và quản lý về xây dựng cơ bản.
2.3 Cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học
Bộ máy tổ chức của Viện NCTKTH được trình bày như sau (xem sơ đồ 1).
Sơ đồ 2: Cơ cấu tổ chức Viện NCTKTH hiện nay
3. Thực trạng hoạt động khoa học công nghệ tại Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học giai đoạn 2006-2015
3.1. Đề tài NCKH các cấp được giao từ ngân sách Nhà nước
Trong giai đoạn 2006-2015, Viện đã thực hiện 21 đề tài, nhiệm vụ KHCN từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do Nhà nước và Bộ GD&ĐT giao với tổng số tiền là 3.025 triệu đồng. Viện đã công bố 57 công trình khoa học, tham luận, tham dự hội thảo, hội nghị, đăng tải trên các tạp chí khoa học chuyên ngành ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, còn có hệ thống các đề tài NCKH cấp cơ sở do Viện trưởng Viện NCTKTH quyết định và trực tiếp quản lý, do các cán bộ của Viện thực hiện tối đa trong một năm để phục vụ công tác quản lý hoặc các nhu cầu khác theo thỏa thuận giữa Viện trưởng với cơ quan/tổ chức thụ hưởng kết quả nghiên cứu. Trước năm 2012, kinh phí của các đề tài NCKH cấp cơ sở tại Viện NCTKTH được cấp từ 3 nguồn: 1/ Kinh phí từ Bộ GD&ĐT thông qua việc đăng ký thực hiện một số đề tài NCKH cấp cơ sở được Bộ GD&ĐT chấp thuận; 2/ Từ việc hợp tác hoặc theo đơn đặt hàng với một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: Công ty cổ phần Phích nước Rạng Đông, Công ty kính Đáp Cầu, Công ty Ausnam,…. Một số cơ quan quản lý nhà nước như: Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội,…. Một số tổ chức quốc tế như: Quỹ nhi đồng Liên Hợp quốc Unicef, Ngân hàng thế giới World Bank…; 3/ Từ quỹ NCKH của Viện NCTKTH, trong Quy chế chi tiêu nội bộ của Viện (được xây dựng từ năm 2006) thì quỹ này được tính bằng 2% tổng doanh thu các dịch vụ tư vấn có hàm lượng NCKH như lập Đề án-Dự án-Quy hoạch, dịch vụ tư vấn thiết kế công trình và các dịch vụ tư vấn khác mà Viện thực hiện trong năm.
Từ 2013, nguồn kinh phí từ Bộ GD&ĐT thông qua việc đăng ký thực hiện một số đề tài NCKH cấp cơ sở về cơ bản không đáng kể, nguồn kinh phí từ hợp tác hoặc thực hiện đơn đặt hàng với một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng rất hạn chế. Nguồn kinh phí chính cho quỹ NCKH của Viện NCTKTH là 2% doanh thu từ các hoạt động sự nghiệp có thu (khoảng 300 triệu/năm trong giai đoạn 2006-2011).
Ngoài ra, từ năm 2011 thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, doanh thu của Viện NCTKTH giảm đáng kể do đặc thù hoạt động KHCN của Viện gắn liền với việc thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng cơ sở trường học. Tuy nhiên, Viện vẫn duy trì nguồn kinh phí cho quỹ NCKH ở mức khoảng 200 triệu/năm.
3.2. Đề tài NCKH do Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học tự khai thác
Ngoài các nhiệm vụ KHCN trên, với đội ngũ cán bộ NCKH giàu kinh nghiệm, Viện đã chủ động liên hệ với các cơ quan, tổ chức ngoài quốc doanh trong cả nước thực hiện 4 đề tài NCKH với tổng số tiền được cấp là 568,7 triệu đồng.
3.3. Thực hiện sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoa học công nghệ
Đây là cơ quan hoạt động chuyên về lĩnh vực tư vấn xây dựng chuyên ngành phục vụ cho công tác GD&ĐT (CSVC trường học từ bậc mẫu giáo đến đại học và dạy nghề). Từ năm 1978 đến nay, với bề dày 38 năm hoạt động về dịch vụ tư vấn đầu tư xây dựng như: khảo sát, lập đề án, dự án, tư vấn thiết kế, giám sát, đấu thầu, thẩm định dự án, thiết kế, quy hoạch mạng lưới các loại công trình trường học của Trung ương và địa phương…, Viện đã thực hiện nhiều hợp đồng tư vấn xây dựng các hạng mục trường học từ nhóm C đến nhóm A tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và một số công trình tại nước ngoài. Dưới đây là tình hình thực hiện dịch vụ KHCN giai đoạn 2006-2015 (xem bảng 1).
Loại hợp đồng |
Doanh thu (triệu đồng) |
|||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
2006 |
2007 |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
|
Dự án |
7.397 |
7.625 |
5.292 |
3.100 |
5.581 |
2.397 |
7.369 |
5.347 |
3.770 |
3.876 |
Thiết kế |
9.476 |
12.82 |
12.07 |
14.148 |
8.485 |
14.334 |
6.997 |
8.485 |
9.014 |
5.021 |
Quy hoạch |
931 |
1.017 |
1.367 |
1.361 |
4.485 |
3.052 |
856 |
3.109 |
220 |
954 |
Tư vấn khác |
443 |
703 |
629 |
135 |
262 |
135 |
585 |
238 |
231 |
460 |
Cộng |
18.25 |
22.17 |
19.36 |
18.75 |
18.81 |
19.19 |
15.80 |
17.18 |
13.23 |
10.31 |
Bảng 1: Tình hình thực hiện các dịch vụ KHCN giai đoạn 2006-2015
Nguồn: Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học. Báo cáo hàng năm từ 2006-2015
Thực tế cho thấy, trong 10 năm (2006-2015), số đề tài NCKH cấp cơ sở của Viện còn rất hạn chế (21 đề tài, trung bình khoảng 2 đề tài/năm). Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí dành cho các đề tài chưa tương xứng, chưa hấp dẫn cán bộ nghiên cứu tham gia, bởi họ đã dành quá nhiều thời gian cho hoạt động thực hiện các dự án - đề án - quy hoạch được đặt hàng; Mặt khác, công tác quản lý hoạt động KHCN của Viện chưa thực sự hiệu quả, chưa có các tiêu chuẩn/tiêu chí hay yêu cầu bắt buộc, rõ ràng về việc thực hiện đề tài NCKH trong công tác thi đua, khen thưởng; chưa định hướng các đề tài NCKH theo hướng NCKH ứng dụng. Thực trạng đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nghiên cứu của Viện, nhất là trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
4. Đổi mới giáo dục và những yêu cầu đặt ra cho hoạt động khoa học công nghệ của Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học
Bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi. Từ năm 2017, cơ chế chính sách về tư vấn xây dựng có nhiều thay đổi, NSNN chi cho đầu tư phát triển giảm nhiều so với năm 2016 vì vào cuối chu kỳ đầu tư, các dự án mới ít được đầu tư nên hoạt động khai thác công việc, dịch vụ tư vấn xây dựng bị hạn chế và có sự cạnh tranh cao. Đây là năm có nhiều khó khăn, thách thức và cũng là cơ hội cho Viện để khẳng định vị thế của mình.
Như vậy, đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông (GDPT) nói riêng đòi hỏi phải nghiên cứu các điều kiện đảm bảo về CSVC, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.
Thực tế hệ thống tiêu chuẩn thiết kế CSVC, thiết bị, diện tích các loại hình trường học ban hành từ những năm 1980 đến nay đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và tiến bộ của KHKT hiện nay, như:
- Quy định về diện tích đất học tập trong trường trung học từ 6m2/HS cho vùng thành thị, 8m2/HS cho vùng nông thôn, diện tích xây dựng công trình không được lớn hơn 30% tổng diện tích đất, diện tích trồng cây xanh không được nhỏ hơn 30% tổng diện tích đất. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế ở những thành phố lớn thì việc thỏa mãn điều kiện về diện tích đất/HS về cơ bản là không thể thực hiện được, theo thống kê thì diện tích trung bình cho các trường trong khu vực Hà nội chỉ đạt khoảng 2,8 m2/HS.
- Qui định về tiêu chuẩn thiết kế cơ cấu diện tích chức năng, với thư viện trong trường đại học tiêu chuẩn thiết kế chỉ áp dụng cho thư viện truyền thống. Vấn đề đặt ra là cơ cấu diện tích chức năng cho thư viện điện tử như thế nào?
- Qui định về tiêu chuẩn thiết bị ảnh hưởng đến diện tích phòng học, những năm 80 của thế kỷ trước sử dụng bàn 4 chỗ ngồi với chiều dài 2.2 - 2.4m bàn hướng lên bục giảng có một lối đi giữa hai dãy bàn, chiều dài bàn học cho HS hiện nay khoảng 1.2m kê 4 dãy có các lối đi giữa các dãy bàn, sự thay đổi kích thước và số lượng thiết bị đòi hỏi phải thay đổi kích thước phòng học. Vậy, phòng học trong giai đoạn này cần thay đổi như thế nào để phù hợp với thiết bị cũng như các phương pháp giáo dục hiện đại?...
5. Đổi mới hoạt động khoa học công nghệ tại Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt yêu cầu về CSVC, trang thiết bị phục vụ chương trình GDPT mới, từng bước cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động, Viện NCTKTH đã và đang từng bước đổi mới hoạt động KHCN của Viện. Cụ thể:
5.1. Tiến hành cơ cấu lại các phòng, ban và trung tâm trong Viện
Với định hướng lấy NCKH làm cơ sở thực hiện nhiệm vụ về CSVC và thiết bị trường học, tăng cường nghiên cứu các sản phẩm có giá trị ứng dụng, gắn với hoạt động thực tiễn của nhà trường, phục vụ trực tiếp cho công tác quản lí, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, Viện đã tái thành lập mới Phòng Nghiên cứu Khoa học và Hợp tác Quốc tế (tháng 3/2017) và sắp xếp lại các đơn vị trong Viện theo định hướng tinh giản và hiệu quả (xem sơ đồ 2).
Sơ đồ 2: Cơ cấu tổ chức Viện NCTKTH hiện nay
5.2. Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu
Xây dựng đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên đáp ứng yêu cầu hoạt động NCKH. Hình thành mạng lưới nhân lực NCKH gồm các nhà khoa học trong và ngoài Viện, có đủ khả năng thực hiện những yêu cầu NCKH ứng dụng của ngành và đáp ứng được những vấn đề mới cần nghiên cứu để phục vụ đổi mới giáo dục. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các cán bộ tham gia nghiên cứu theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội.
5.3. Xác định định hướng NCKH của Viện là đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và phục vụ công tác quản lý của Ngành
Đẩy mạnh NCKH về CSVC, thiết bị trường học (TBTH) trong hệ thống các trường học ở Việt Nam, chú trọng NCKH mang tính ứng dụng để tham mưu cho Bộ GD&ĐT về xây dựng các chuẩn, tiêu chuẩn và chính sách liên quan tới CSVC-TBTH phù hợp với tình hình cụ thể của Việt Nam như: Nghiên cứu cơ sở khoa học của việc xây dựng chuẩn và quản lí hệ thống CSVC, TBTH theo chuẩn, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới; Nghiên cứu các giải pháp hạn chế bệnh cận thị học đường do tác động của hệ thống CSVC - kỹ thuật và một số hoạt động giáo dục của trường phổ thông ở Việt Nam; Nghiên cứu các giải pháp xây dựng CSVC, xây dựng cơ bản các công trình trường học an toàn ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu thường xuyên xảy ra ở Việt Nam gồm 3 loại hình: Bão - lũ quét - sạt lở đất. Tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về đồ dùng học tập của HS gắn với kiến thức phổ thông cơ bản của GDPT theo hướng HS chủ động sử dụng đồ dùng học tập để kiểm định các kiến thức cơ bản đã được học ở tiểu học, trung học nhằm phát triển năng lực người học thông qua kiến thức phổ thông cơ bản. Thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về các thiết bị dạy học (TBDH), đồ dùng học tập phục vụ chương trình GDPT mới. Nhóm nghiên cứu này hoạt động theo chế độ tự nguyện, bao gồm cán bộ của Viện, các chuyên gia có kinh nghiệm về TBDH các môn học, cán bộ các vụ bậc học, giáo viên các trường tiểu học, THCS, THPT, giảng viên các trường sư phạm, cán bộ của các công ty sản xuất TBDH… trong cả nước.
5.4. Đẩy mạnh các nghiên cứu theo đơn đặt hàng
Tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh thực hiện nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo; phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành như: Bộ Xây dựng, Viện Nghiên cứu Kiến trúc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Kinh tế , Trường Đại học Xây dựng…, Hiệp hội ngành nghề trong nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn, định mức, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản trong công tác quy hoạch cho các công trình giáo dục…; Xây dựng cơ chế tạo động lực, khuyến khích cán bộ Viện tìm kiếm và khai thác các đề tài nghiên cứu đáp ứng nhu cầu xã hội.
5.5. Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động khoa học công nghệ
Đẩy mạnh công tác tư vấn xây dựng CSVC trên lãnh thổ nước CHDCND Lào thông qua các Dự án Chính phủ do Bộ GD&ĐT, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Chủ động thực hiện công tác tư vấn xây dựng một số công trình tại tỉnh Xiêng Khoảng nước CHDCND Lào. Ngoài ra, còn mở rộng tiếp cận hoạt động tư vấn thiết kế, phối hợp hoạt động nghiên cứu CSVC và TBTH, trao đổi cán bộ nghiên cứu với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, ở Hàn Quốc và CHLB Đức. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Công ty TNHH Thương mại quốc tế New Brain (Đại diện của hãng đồ chơi, thiết bị toàn cầu GIGO) giúp tìm kiếm những sản phẩm thiết bị giáo dục tốt nhất phục vụ chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT tại Việt Nam. Tổ chức các hội thảo khoa học chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng các TBDH hiện đại phục vụ các bài thực nghiệm của những môn học cơ bản cấp THCS và THPT.
5.6. Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế tự chủ
Từ năm 2012, Viện NCTKTH thực hiện cơ chế tự chủ theo Quyết định của Bộ GD&ĐT như đã nêu trên. Viện thường xuyên tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ nhằm tạo ra môi trường nghiên cứu lành mạnh, có khả năng cạnh tranh, để cán bộ nghiên cứu thấy rõ trách nhiệm, quyền hạn và lợi ích của mình khi thực hiện nhiệm vụ; Phát triển nhiều hình thức tạo động lực và các lợi ích thiết thực khác để phát huy sự sáng tạo của cán bộ như: xây dựng cơ chế để tăng cường mô hình hợp tác công – tư trong NCKH; cơ chế xây dựng một đội ngũ cán bộ nghiên cứu chủ chốt; đổi mới cơ chế cấp phát tài chính theo hướng tự chủ và trách nhiệm giải trình; giao trách nhiệm cụ thể trong việc thực hiện nhiệm vụ, cung cấp và thực hiện dịch vụ các kết quả nghiên cứu thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông...Giám sát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ NCKH một cách công khai, dân chủ, có đối thoại để từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung thêm các quy định đã có cho phù hợp với tình hình thực tế.
6. Kết luận
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là mục tiêu phát triển của ngành Giáo dục, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ trong các hoạt động của ngành, trong đó có hoạt động KHCN. Đổi mới giáo dục, đào tạo tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các cơ quan nghiên cứu của Bộ GD&ĐT, trong đó có Viện NCTKTH. Để tận dụng cơ hội, vượt qua những khó khăn, thách thức từ thực trạng hoạt động KHCN, Viện đã từng bước đổi mới hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả NCKH, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
------------------------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật số 29/2013/QH13 thông qua ngày 18/6/2013.
2. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Hà Nội, 2013.
3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 về chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, Hà Nội, 2012.
4. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 về chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, Hà Nội, 2012.
5. Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 về qui định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Hà Nội, 2005.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 2281/QĐ-BGDĐT ngày 20/6/ 2012 về Chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, Hà Nội, 2012.
7. Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, Báo cáo tổng kết hàng năm từ 2006-2015, Hà Nội, 2016.
8. Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học, Báo cáo công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế năm 2017 và quí I năm 2018, Hà Nội, 2018.
Trung tâm CNS - 01/05/2023
STEAM Lab là gì? STEAM Lab là một không gian được xây dựng nhằm phục vụ cho giáo dục STEAM, tạo điều kiện để học sinh tiếp cận một cách trực quan với các khái niệm, lĩnh vực trong Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật, Nghệ t...
Trung tâm CNS - 01/05/2023
Giáo dục STEAM là gì? Khác với giáo dục truyền thống chú trọng vào việc ghi nhớ công thức và lý thuyết từ sách vở, giáo dục STEAM là phương pháp giáo dục tích hợp t&aci...
TTS - 27/10/2022
Tầm quan trọng của đánh máy 10 ngón Dựa trên nghiên cứu khoa học đã được chứng minh, việc gõ bàn phím đúng cách không chỉ làm tăng tốc độ hoàn thành công việc mà còn nâng cao...
TTS - 11/10/2022
ĐỒNG THÁP: VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC – BỘ GIÁO DỤC PHỐI HỢP CÙNG SỞ GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG THỰC NGHIỆM NẰM TRONG KHUÔN KHỔ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI “NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH STEAM LAB THEO ĐỊNH HƯỚNG C&O...
TTS - 21/09/2022
Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học - Bộ Giáo dục và đào tạo thông báo tuyển dụng viên chức đợt 2 - năm 2022, theo thông báo đính kèm: Thông báo tuyển dụng viên chức Phụ lục mẫu đăng ký
TTS - 19/08/2022
Ngày 19/8/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn đã ký ban hành Chỉ thị số 1112 /CT-BGDĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023. Nội dung Chỉ thị nêu rõ: Năm học 2022 - 2023, ngành Gi&aacu...
Trung tâm CNS - 30/06/2022
Ngày 22/06/2022, Công ty TNHH TOA Electronics Việt Nam tổ chức Lễ lý kết thỏa thuận hợp tác và thăm quan nhà máy sản xuất với Viện Nghiên cứu Thiết kế Trường học (Viện NCTK Trường học). Tham dự buổi lễ có ông Hoàng Hải Sơn, Viện trưởng,...
TTS - 06/05/2022
Thực hiện Quyết định số: 1195/QĐ-BGDĐT ngày 28/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt danh mục đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giao tuyển chọn thực hiện từ năm 20...
TTS - 11/10/2022
ĐỒNG THÁP: VIỆN NGHIÊN CỨU THIẾT KẾ TRƯỜNG HỌC – BỘ GIÁO DỤC PHỐI HỢP CÙNG SỞ GIÁO DỤC TỈNH ĐỒNG THÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG THỰC NGHIỆM NẰM TRONG KHUÔN KHỔ NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI “NGHIÊN CỨU MÔ HÌNH STEAM LAB THEO ĐỊNH HƯỚNG C&O...
TTS - 14/06/2018
Viện NCTK Trường học xin giới thiệu quý độc giả Video Edu talk : Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp do VTV thực hiện. Xem video tại đây. Phó Viện trưởng Viện NCTK Trường học Hoàng Lưu Vinh trong trương trình tọa đàm.